Ở vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang) có một nông dân từ nhỏ chuyên đi chăn trâu mướn nay đã có trong tay cả một trang trại trâu, bò, giá trị lên đến cả tỷ đồng.
"Nuôi trâu riết tôi hiểu ý từng con trâu hung hay hiền, hoặc khỏe hay bệnh". Ảnh: Ngọc Trinh.
Anh nông dân đó chính là Đoàn Văn Liêm, ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành – Kiên Giang. Người dân trong xóm quen gọi anh với cái tên mộc mạc "Út trâu”. “Út trâu” nổi tiếng mấy chục năm nay ở nơi này bởi cách làm giàu.
Người chăn trâu thuê trở thành
Cỡi trên lưng trâu để chăn giữ các con khác là cách anh Út thuần phục đàn trâu đông đúc.
Tâm sự về chuyện gắn bó với trâu, anh cho biết, gia đình có năm anh em, ba trai hai gái thì bốn người theo nghiệp cha đi giữ trâu mướn từ nhỏ. Tới tuổi lập gia thất, rồi ra riêng, vợ chồng anh cũng bắt tay vào nhận giữ trâu mướn cho bất cứ ai dù ở xa hay gần. Đến mùa lúa, anh Út lại nhận điều khiển trâu đi kéo cộ, kéo cày lấy tiền công.
Năm 1988, anh Út dành dụm được ít vốn và được một anh bạn giới thiệu có người bán một cặp trâu rất tốt. Không bỏ qua cơ hội, anh vét hết số tiền vợ chồng cực nhọc dành dụm được đi mua. Giá trị cặp trâu thời điểm đó đúng một cây vàng nhưng trong túi anh mới có 7 chỉ.
Anh Út cho biết: “Mua cặp trâu mà gần hai năm trời phải bóp bụng dành dụm. Thậm chí, vợ chồng không dám sinh con vì sợ không đủ tiền trả nợ”. Có cặp trâu tốt trong nhà, anh bắt tay vào đi cày, bừa để khai hoang cho những hộ dân vùng Tứ giác Long Xuyên. “Hồi xưa vùng đất này bị nhiễm phèn nặng lắm, đồng ruộng bỏ hoang, trồng lúa mỗi năm có một vụ mà còn bị thất bát hoài. Nhờ trâu mà chúng tôi cải tạo hàng trăm ha đất phèn để nay làm được hai vụ lúa trong năm. Máy cày chưa nhiều nên bà con kêu cày trâu không xuể”, anh Út tâm sự.
Từ một cặp trâu chuyên đi cày mướn, lần lượt anh Út tậu thêm được hai cặp trâu nữa để tăng cường phục vụ cho việc cày, bừa cho nông dân. Có số vốn trong tay, cứ mỗi năm anh lại tậu thêm một đến hai cặp trâu. Đến nay, anh Út đã có trong tay trên 50 con trâu, 15 con nghé và 50 con bò, trong đó có 10 cặp trâu xịn chuyên đi cày, kéo thuê. Anh Út cho biết: “Cứ hễ nghe ở đâu bán trâu là tôi tìm đến xem. Cứ đi hết tỉnh này lại qua tỉnh khác ở khắp vùng ĐBSCL hỏi thăm dò mua, thậm chí sang Campuchia mua trâu về nuôi.
Nhiều năm gắn bó với trâu bò nên anh Út rất có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, vỗ béo trâu. Những con qua tay anh chỉ một vài tháng là khỏe mạnh đủ sức đi cày bừa.
Người chăn trâu thuê trở thành
Đàn trâu của anh Út mỗi năm tăng dần về số lượng. Ảnh: Ngọc Trinh.
"Tôi có bao nhiêu tiền đều đầu tư hết vào đàn trâu, tìm mua khắp nơi về tăng đàn và nuôi vỗ béo. Con nào tốt thì giữ lại cho đi kéo, còn những con chỉ nuôi vỗ béo khi được giá là bán. Trâu tốt có lúc trị giá trên dưới 70 triệu đồng/con", anh nói.
Trung bình, một năm anh Út xuất chuồng bán trâu một lần, trừ hết chi phí phần lãi còn trên 550 triệu đồng. “Nuôi con gì cũng tốn tiền mua thức ăn, chỉ nuôi trâu là ít tốn nhất”, anh Út nói.
Một điều rất đặc biệt, nuôi trâu mấy chục năm nay nhưng anh Út chưa để một con trâu nào bị bệnh chết. Bởi anh luôn tuân thủ việc tiêm ngừa bệnh định kỳ theo chỉ định của ngành thú y. “Quan trọng nhất là phải tránh muỗi, mòng cắn trâu”, anh chia sẻ. Chính vì vậy mà đàn trâu của anh rất mau lớn, khỏe mạnh và tăng đàn nhanh. Trung bình, một năm đàn trâu của anh Út tăng được 15 – 20 con nghé. Đối với nghé nuôi trong vòng một năm rưỡi đến hai năm là có thể xuất bán với giá từ 25-30 triệu đồng/con.
Một lợi thế nữa là trong vùng Tứ giác Long Xuyên hiện nay còn nhiều đồng cỏ nên rất thuận tiện cho việc phát triển đàn. Đàn trâu của anh ngày nào cũng cho ra đồng từ sáng tới chiều no bụng rồi mới lùa về. Hiện nay, đàn trâu của anh phải thuê bốn người giữ. “Nuôi trâu riết tôi hiểu ý từng con trâu. Nghề này cực mà vui, lúc nào cũng được cỡi trên lưng trâu” – anh Út cười nói!
Thành công trong nghề nuôi trâu, anh Út đã không ngần ngại giúp đỡ và hướng dẫn cho bà con trong vùng cùng phát triển nghề này. Thậm chí, anh còn giúp vốn cho những hộ nghèo để nuôi trâu. Có một cách anh Út đang giúp bà con nghèo khá lên là cho họ mượn cặp trâu bố mẹ nuôi, khi đẻ thì được lấy nghé, sau đó tiếp tục chuyển cặp trâu đó cho hộ nghèo khác. Đến nay đã có hơn 10 hộ trong xã được anh cho mượn trâu nuôi theo cách này. Anh cũng đang mở rộng cho nhiều hộ nghèo nuôi hơn nữa để bà con có điều kiện vươn lên. Hiện nay anh Út thành lập trang trại 2 ha để chăn nuôi thả trâu.
Theo Ngọc Trinh
Zing.vn