Lifetv.vn - 50 tuổi học đại học, 65 tuổi quyết tâm phá khách sạn xây phòng khám, ở tuổi 80 ông Nguyễn Chánh Trung đã làm những điều mà ngay cả người trẻ cũng chùn tay.
Cuộc đời ông Nguyễn Chánh Trung 
Từng trải qua thời tuổi trẻ gian khó, có lúc phải mượn xích lô để kiếm sống, lấy tiền ăn học, ông Nguyễn Chánh Trung đã dành phần lớn cuộc đời để kinh doanh, buôn bán, chăm sóc cho gia đình và nuôi lớn 4 người con.
Đến tuổi trung niên, gia sản trong tay cũng thuộc vào hàng khá, nhưng chính lúc này ông lại thích khởi nghiệp. Trong lần qua Pháp chữa bệnh, nơi con trai đang theo học ngành y, ông nảy ra ý muốn mở một phòng khám ở Việt Nam. Tính đi tính lại khó khăn nhất là khâu quản lý, vậy là ông quyết định ở lại Pháp học đại học ngành quản lý bệnh viện lúc 50 tuổi.

Học tập  ý chí của ông giám độc khởi nghiệp ở tuổi 65
Ông Nguyễn Chánh Trung vẫn miệt mài điều hành 2 phòng khám đa khoa ở tuổi 80

Tốt nghiệp về nước nhưng phải chờ cho đến khi luật cho phép mở phòng khám tư, ông Trung mới thực hiện được ước mơ của mình khi đã 65 tuổi. Lúc đó, con cái ông đang kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ông ra lệnh phá tất cả để xây phòng khám. Con cái ông không đồng ý, có người phản đối bằng việc bỏ nhà đi. Nhưng chính người con này sau đó đã trở về làm quản lý giúp ông.

Với số vốn ban đầu gần 500 triệu đồng, năm 1999 ông Trung vay thêm ngân hàng, bán gia sản để xây dựng phòng khám nhi khoa. Ban đầu, ông lên “kế hoạch lỗ” trong 5 năm. Nhưng thực tế sau 15 năm hoạt động, vị doanh nhân cao tuổi này mất tới 7 năm để trả hết nợ ngân hàng. "Lời không thấy đâu mà chỉ thấy trước mắt tốn quá nhiều tiền. Cứ một giường bệnh đầu tư trung bình 2 tỷ đồng, nên một cơ sở khám bệnh cỡ 100 giường như của tôi ngốn hết 200 tỷ”, ông Trung giãi bày.

Lập nghiệp lại ở tuổi 65

Được biết mỗi ngày bệnh viện Nhi Đồng I trung bình điều trị khoảng 3.000 trẻ, ông Trung nhẩm tính phòng khám của mình chỉ cần tiếp nhận khoảng một phần mười con số đó là có thể hoạt động ổn định. Nhưng thời gian đầu mới mở, Nancy chỉ tiếp nhận trung bình 70 bệnh nhi. Con số này sau đó tăng lên khoảng 100 nhưng vẫn rất khiêm tốn . Ông Trung khi đó quyết định phát động thi đua cho các phòng ban, nhân viên sẽ được thưởng khi thu hút khách đăng ký chữa bệnh. Ngoài ra, bệnh viện mở dịch vụ khám tận nhà, khám cho các trường học, công ty. Những cố gắng đã đem lại kết quả bất ngờ khi số lượng bệnh nhân đến khám tăng mạnh.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, ông Trung dự đoán nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia vào nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế. Doanh nhân này quyết định phá tòa nhà 2 tầng đang kinh doanh để xây mới thành cơ sở 7 tầng hiện đại. Tất cả nhân lực, trang thiết bị chuyển qua một mặt bằng khác để hoạt động tạm thời. Ông giao cho 4 người con, trong đó có 3 người học kinh tế, một người làm bác sĩ đảm trách.

Các con của ông đi tìm mặt bằng, thấy giá hơn 3.000 USD/tháng nên không dám thuê vì sợ lỗ. Ông Trung tới xem xét, nhận thấy có khu vực hầm để xe chứa được 100 xe máy, thuận tiện cho khách hàng nên quyết định thuê liền trong gần 3 năm. Trong khi đó, tòa nhà 7 tầng được xây dựng, trang trí lại tốn hơn 22 tỷ đồng. Ông cho biết đã huy động tiền bằng cách lấy doanh thu phòng khám đang hoạt động, vay ngân hàng để xây dựng.

Theo ông Trung, khâu khó nhất khi mở phòng khám là nhân sự. “Trang thiết bị tối tân bao nhiêu mà không có con người cũng bỏ. Vậy mà cách sử dụng nhân lực của ngành y rất phí phạm. Tuổi về hưu của bác sĩ nam là 60, bác sĩ nữ là 55 tuổi, đây lại là tuổi “chín muồi” của tay nghề, kinh nghiệm. Trong khi một bác sĩ bình quân cần 23 năm học tập và đào tạo: 12 năm phổ thông, 6 năm đại học, ra trường thực tập tối thiểu 2 năm, đi làm thêm 3 năm thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề”, ông Trung chia sẻ.

Để tạo độ tin cậy từ khách hàng, ngay lúc đầu ông Trung đã rất mạnh tay đầu tư mời đội ngũ y bác sĩ có tay nghề nổi tiếng về làm việc. Ông quy định, một bác sĩ chỉ tiếp tối đa 40 bệnh nhân/ngày để có thời gian khám bệnh kỹ lưỡng.

Thành công bởi làm nghề đi liền với tâm đức

“Quản lý 1.000 nhân viên lao động thì dễ, nhưng quản lý 20 bác sĩ thôi cũng khó trần ai vì đây là nghề đặc biệt, đòi hỏi mình phải có trình độ chuyên môn về quản lý, hiểu về ngành y và đắc nhân tâm”, ông Trung nói. Hiện nay phòng khám của ông có 32 nhân viên đã gắn bó từ ngày đầu.

Ông Trung cho rằng, một người quản lý cần mang lại cuộc sống tối ưu cho nhân viên. Trên bàn làm việc của mình, ông luôn để bảng lương trước mặt để xem xét, thỉnh thoảng ông đích thân xuống căng tin xem tình hình ăn uống của bác sĩ, y tá.

Học tập  ý chí của ông giám độc khởi nghiệp ở tuổi 65
Mới đây công ty ông Nguyễn Chánh Trung đón nhận huân chương lao động hạng 3

Với suy nghĩ “áo blouse may hai cái túi lớn để làm gì? Để bệnh nhân nhét phong bì vào à?”, ông Trung đề nghị may áo blouse không có túi. Bên cạnh đó ông đề nghị bác sĩ nam đeo cà vạt để tạo sự nghiêm túc, tin tưởng cho bệnh nhân. Ông cũng chủ động thuê 2 người khuyết tật làm lễ tân cho phòng khám. “Mỗi doanh nghiệp đều tạo việc làm cho 2 người khuyết tật như tôi thì sẽ góp phần giải quyết rất nhiều vấn đề của xã hội”, ông nói.

Mặc dù có nhiều đối tác muốn ông Trung nhượng quyền thương hiệu, nhưng doanh nhân này từ chối vì cho rằng những lĩnh vực khác nhượng quyền dễ, còn trong lĩnh y tế thì rất nguy hiểm.

Ở tuổi 80, ông Trung hiện là Chủ tịch Công ty TNHH Khám chữa bệnh Nancy, quản lý hai cơ sở y tế là chuyên sản khoa và đa khoa, với 120 nhân viên, 21 bác sĩ. Nói về độ dẻo dai của mình, ông Trung cho biết mỗi sáng vẫn đi đánh tenis và tập thể thao. “Bí quyết quan trọng không kém là tập cách không giận ai, giận chỉ mang lại sự bí bách cho cơ thể. Tuổi già không quan trọng, quan trọng là bộ não, sức khỏe còn hay không. Người 60 tuổi còn thua tôi nhiều ấy chứ”, vị giám đốc hóm hỉnh chia sẻ.

Nguồn: VnExpress